Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

trạng: Bệnh 7 dấu hiệu nhận biết sai khớp

Sai khớp là tình trạng mất liên quan giải phẫu bình thường giữa các mặt khớp, sau một chấn thương mạnh vào chi hay vào khớp. Sai khớp xảy ra phần lớn ở tuổi lao động, đôi khi do bẩm sinh hoặc bệnh lý.

Các dấu hiệu nhận biết sai khớp:
- Đau do tổn thương rách bao khớp.
- Giảm hoặc mất hoàn toàn cơ năng vận động khớp.
- Hõm khớp bị rỗng. Đây là dấu hiệu đặc biệt của sai khớp, nhưng không phải khớp nào cũng có, mà chỉ gặp ở khớp vai, khớp hàm và một phần khớp khuỷu. Nếu người bệnh đi khám muộn thì sẽ khó nhận thấy do sưng nề nhiều.
- Biến dạng toàn chi: Nếu sai khớp vai thì tư thế cánh tay luôn biến dạng hoặc không khép sát vào thân được. Nếu sai khớp háng thì tư thế chi ngắn, gối xoay vào trong, bàn chân bên sai gác lên cổ chân bên lành.
- Dấu hiệu gồ bất thường do chỏm xương trật ra khỏi hõm khớp.
- Cử động đàn hồi, còn gọi là dấu hiệu lò xo, chỉ có trong sai khớp, do đầu xương trật ra chỗ khác và bị bó chặt trong khối cân cơ và dây chằng. Dù cố ý kéo hay đẩy khớp về vị trí bình thường thì khớp vẫn bật trở lại tư thế sai.
- Có một số biến dạng đặc biệt:
  + Dấu hiệu gù vai (vai vuông góc) thấy ở sai khớp vai.
  + Dấu hiệu "nhát rìu" thấy trong sai khớp khuỷu ra sau (do mỏm khuỷu trồi ra sau làm với cánh tay một bậc lõm vào, trông giống như gốc cây bị rìu chặt dang dở).
  + Dấu hiệu "phím đàn dương cầm" thường thấy trong sai khớp vùng vai-đòn (do co kéo cơ ức đòn chũm nên đầu ngoài xương đòn được kéo lên, lộ rõ ra ngoài, ấn xuống lại bật lên như ấn vào phím đàn dương cầm).
Còn để xác định chính xác tổn thương ở cổ chân sau khi bị ngã trẹo chân, bạn nên đi khám ở chuyên khoa khớp. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang để biết chính xác loại sai khớp và tình trạng khớp (có hay không bong xương, vỡ mẻ xương khớp hay gãy đầu xương). Nếu để lâu có thể xuất hiện biến chứng như chèn ép mạch máu, dây thần kinh, sai khớp hở kèm mẻ xương.

Chứng đau mỏi cơ bắp do quá tải




...theo Andy Roddick là: “Thậm chí hiện tại tôi còn nhấc tay không nổi chứ đừng nói là ra sân thi đấu. Lịch thi đấu cần phải điều chỉnh và cần thời gian để chúng tôi có thể hồi phục sức khỏe”...
Chứng đau mỏi cơ bắp do quá tải
BS. NGUYỄN TRỌNG ANH
Tổng Thư ký Hội Y học Thể thao TPHCM
Chuyên gia y tế các giải tennis ATP, ITF tại TP.HCM
Vừa mới đây hàng loạt các tay vợt nổi tiếng như Rafael Nadal, Roger Federer… đã phải chấp nhận gác vợt thua cuộc sớm trong các giải Masters Series thuộc hệ thống ATP, với lý do mà theo Andy Roddick là: “Thậm chí hiện tại tôi còn nhấc tay không nổi chứ đừng nói là ra sân thi đấu. Lịch thi đấu cần phải điều chỉnh và cần thời gian để chúng tôi có thể hồi phục sức khỏe”, còn theo tay vợt số 2 thế giới Rafael Nadal thì: “Lịch thi đấu thật ngu xuẩn, 3 giải Masters Series trong vòng bốn tuần là quá nhiều. Người ta đang giết chết quần vợt”.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trên, mà trong y học thể thao gọi là “Chứng đau mỏi cơ bắp do quá tải”, là do rách các sợi cơ mức độ vi thể. Đây là tình trạng có thể gặp ở cả người mới tập luyện lẫn vận động viên chuyên nghiệp, thường diễn ra vài giờ sau khi kết thúc quá trình tăng quá mức khối lượng hoặc thời gian vận động (tăng khối lượng và thời gian tập luyện quá mức, trận đấu kéo dài tổn hao nhiều sức lực, hoặc lịch thi đấu quá dày đặc…).


Khi gặp trường hợp đó, bạn sẽ cảm thấy đau nhức cơ bắp toàn cơ thể, đặc biệt khi thực hiện các động tác co cơ lệch tâm như đi xuống cầu thang, chạy xuống dốc, hạ tạ, hít đất, ngồi xổm xuống…, và tình trạng đau nhức nhiều sẽ kéo dài 1-2 ngày, sau đó giảm dần những ngày sau đó. Phải phân biệt tình trạng này với tình trạng đau nhức cơ cấp tính do căng hoặc rách cơ: thường xảy ra trong khi tập luyện, thi đấu và kèm theo sưng hoặc bầm tím vùng chấn thương.

Xử trí:
1. Nghỉ ngơi, tránh các động tác gây đau.
2. Thực hiện nhẹ nhàng các động tác kéo căng, và các bài tập làm tăng tuần hoàn cho cơ bắp (Yoga).
3. Xoa bóp nhẹ nhàng các cơ.
4. Dùng thuốc kháng viêm không chứa corticoid.
5. Nên đợi giảm đau hẳn, và nhớ khởi động kỹ trước khi vận động mạnh trở lại.
6. Nếu tình trạng đau nhức kéo dài quá 1 tuần, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa thể thao.

Phòng tránh:
1. Làm nóng kỹ trước khi vận động, và làm nguội sau khi vận động, đặc biệt với các bài tập kéo căng.
2. Tăng dần khối lượng và thời lượng tập luyện không quá 10% mỗi tuần.
3. Tránh tăng đột ngột thời lượng và khối lượng các bài tập.
4. Tập luyện tăng dần sức mạnh, sức dẻo cơ bắp và sức bền trước những giải đấu.
5. Lịch thi đấu, nghỉ ngơi hợp lý.

Chấn thương thể thao: Một số điều cần biết!


Trong cuộc sống thường nhật, thể thao là một trong những hoạt động có ý nghĩa xã hội cao, mang lại nguồn vui, niềm đam mê cháy bỏng, sức khỏe dồi dào và sự bền bỉ cần thiết cho con người ngày một phát triển, hoạt động thể thao còn là một nhu cầu không thể thiếu.



Chân và tay là 2 bộ phận dễ bị chấn thương nhất khi chúng ta chơi thể thao

Tuy nhiên, tham gia vào hoạt động thể thao, mọi người cần phải có hiểu biết đề phòng ngừa những chấn thương có thể xảy ra trong quá trình luyện tập. Nếu không, từ chỗ tập để vui, để khỏe, để làm việc tốt hơn, bạn có thể phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống.


Chân và tay: Dễ bị chấn thương nhất

Trong quá trình hoạt động thể thao, chấn thương có thể xảy ra với bất cứ bộ phận nào của cơ thể, tuy nhiên, các chấn thương gặp nhiều nhất thường rơi vào chi trên (vai, cánh tay, cẳng tay, cổ và bàn tay) hoặc chi dưới (khớp háng, đùi, khớp gối, cẳng chân, cổ và bàn chân).



Đơn giản vì đây là hai bộ phận tham gia nhiều nhất vào các hoạt động nào cũng có sự góp mặt và phối hợp của hai cơ quan này từ bơi lội, chạy, bóng đá cho tới tennis, bóng bàn, cầu lông, golf.



Các chấn thương có thể gặp ở chi trên bao gồm: Chấn thương vùng khớp vai, chấn thương của nhóm cơ nâng và xoay của chỏm xương cánh tay, chấn thương vùng khớp khuỷu, tụ máu vùng khớp khuỷu, tổn thương dây chằng bên trong khớp khuỷu, chấn thương vùng khuỷu tái diễn dẫn tới xơ hóa và chèn ép thần kinh tru, tổn thương mãn tính cổ tay, viêm bao gân vùng cổ tay, tổn thương nhóm cơ và gân duỗi của các ngón tay, tổn thương gân gấp của các ngón tay.



Các chấn thương này gặp nhiều nhất trong các môn thể thao có sự tham gia vận động của chi trên như tennis, cầu lông, bóng bàn. Các chấn thương này cũng có thể gặp trong bóng đá do va chạm, do ngã.



Các chấn thương thường gặp ở chi dưới là chấn thương vùng khớp gối và vùng cổ chân, các chấn thương thường gặp bao gồm: Viêm gân gấp và duỗi, gân gót hay còn gọi là gân Achille, tổn thương hoàn toàn hoặc không hoàn toàn của gân gót, tổn thương dây chằng delta, tổn thương các đốt bàn chân.



Các chấn thương này có thể gặp trong hầu hết các môn thể thao, song nhiều nhất là bóng đá, bóng rổ.



Để tránh bị chấn thương

Chấn thương trong thể thao là một việc xảy ra ngoài mong muốn, song mọi người vẫn có thể hạn chế chấn thương ở mức thấp nhất nếu tuân thủ nghiêm một số nguyên tắc sau:



- Không được bỏ qua khâu khởi động.



- Trong thể thao, đây là một công đoạn tối quan trọng có tác dụng hâm nóng các bộ phận của cơ thể, đưa cơ thể từ trạng thái tĩnh sang động một cách không quá đột ngột. Cần khởi động kỹ các động tác, đặc biệt là các động tác mềm dẻo của các khớp để tránh các hiện tượng sái khớp, sưng khớp.



- Không thực hiện các động tác mạnh một cách đột ngột, đặc biệt là với các động tác xoay khi lấy khớp gối làm trụ.



- Không thực hiện các động tác khó khi thấy đau và có trở ngại của vận động khớp.



Xử lý các chấn thương nhẹ


Khi luyện tập bạn nên nhớ: tuyệt đối không thực hiện những động tác mạnh đột ngột

Khi bị chấn thương phần mềm, cần ngưng tập luyện ngay và nẹp cố định vùng tổn thương. Bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách chườm lạnh tại chỗ 10 -15 phút, mỗi tiếng một lần lặp lại nhiều lần trong ngày, để không gây tụ máu hay chảy máu cho vùng bị tổn thương; băng ép vùng tổn thương bằng dây thun y tế để giảm chảy máu, sưng tấy, đau nhức; kê cao vùng bị tổn thương để máu về tim tốt, giảm sưng đau và viêm. Thường thì các chấn thương nhẹ sẽ hồi phục trong vòng 3 ngày.




Tuyệt đối không dùng hóa chất có kích thích như mật gấu, dầu nóng xoa bóp vùng bị tổn thương. Làm như vậy có thể khiến máu chảy nhiều hơn, các dây chằng bị xơ và mất độ đàn hồi, ngoài ra, chúng còn dễ bị chấn thương khi có các vận động mạnh trở lại.

Thuốc thoa khi chơi thể thao bị chấn thương



Anh H.T đến khám với cổ chân bên phải sưng to, da căng bóng, khi di chuyển phải đi cà nhắc rất khó khăn. Anh cho biết bị lật cổ chân từ ba ngày trước trong khi đánh tennis. Sau đó được bạn bè tặng mấy thuốc thoa ngoại “cực nóng” và anh cố gắng thoa rất tích cực, nhưng càng thoa thì càng sưng đau nên buộc lòng phải đến bác sĩ.
Đa số người chơi thể thao thường rất chủ quan khi bị chấn thương nhẹ, đơn giản nhất là tự mua thuốc sử dụng hoặc thoa thuốc lên vùng tổn thương để giảm đau. Một số người còn đắp muối, đắp gừng, lăn hột gà, thoa dầu nóng, bóp rượu thuốc… để “tan máu bầm”.
Hiện nay có nhiều loại thuốc thoa có tác dụng giảm đau được bày bán trên thị trường. Do quảng cáo, tiếp thị, hướng dẫn không rõ ràng nên người sử dụng dễ nhầm lẫn rằng các loại thuốc thoa đều có tác dụng tương tự như nhau và dùng lúc nào cũng được. Người chơi thể thao cần có một số kiến thức cơ bản về tác dụng của các loại thuốc này cũng như cách sử dụng thích hợp để tránh tình trạng mạo nhận và lạm dụng thuốc.
Những chấn thương thể thao cấp tính thường gặp là căng cơ, dập gân cơ, giãn cơ - dây chằng… hay được gọi một cách dân gian là “bong gân”. Khi cơ căng quá mức có thể làm các sợi gân cơ bị xé rách gây đau và chảy máu trong mô mềm (gồm cơ và mô xung quanh, gây sưng bầm dưới da). Do đó nếu muốn sử dụng thuốc thoa giảm đau phải tránh làm tăng chảy máu trong mô mềm.
Có thể tạm chia thuốc thoa giảm đau thành hai nhóm như sau:
1. Thuốc thoa giảm đau chứa hỗn hợp tinh dầu gây nóng, gồm:
• Menthol: là hoạt chất ức chế thụ thể cảm giác đau (tương tự gây mất cảm giác tại chỗ) làm giảm cảm giác đau của mô mềm và khớp. Nồng độ càng cao thì tác dụng càng mạnh nhưng không thật sự cần thiết vì có thể gây bỏng rát. Menthol chiết xuất tự nhiên có trong tinh dầu bạc hà tốt hơn cho da so với loại được tổng hợp.
• Capsicum/capsaicin: làm giảm hoạt chất P là chất dẫn truyền thần kinh của cảm giác đau.
• Peppermint, eucalyptus, cayenne pepper…
 Loại này có tác dụng phụ làm giãn mạch và tăng tuần hoàn máu tại chỗ. Nếu thoa lên tổn thương trong 48 - 72 giờ đầu sẽ bị tăng chảy máu, làm sưng đau tăng lên, hiện tượng viêm kéo dài. Hậu quả là chấn thương lâu lành, dễ bị xơ chai mô bị thương, mô bị thương lành sẹo xấu và dễ bị tái phát. Ngoài ra còn gây viêm, phỏng, dị ứng da nếu lạm dụng.
2. Thuốc thoa giảm đau - kháng viêm không cần kê toa:
 Có chứa acetaminophen giảm đau đơn thuần hay các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Ketoprofen, Diclofenac, Piroxicam... Tác dụng giảm đau nhờ vào:
• Ức chế chọn lọc tổng hợp prostagladin.
• Ức chế protein kinase C chuyển vị và phosphodiesterase type IV.
• Giảm đau khởi phát do bradykinin và cytokine do ức chế TNF-alpha.
• Giảm thoái hóa chất nền sụn vì ức chế tổng hợp metalloprotease.
• Ức chế giải phóng histamin từ bạch cầu ái toan và dưỡng bào.
 Loại thuốc thoa này không gây sưng bầm nhưng cũng không giúp làm ấm vùng tổn thương.
Khi bị chấn thương nên làm gì?
Khi vừa chấn thương là có tình trạng đứt, rách trong mô, lúc này hoàn toàn không thích hợp để thoa bất cứ loại thuốc gì. Tốt nhất nên được sơ cứu bằng phương pháp RICE:
• R - Rest: Ngưng chơi ngay lập tức, có thể băng cố định tạm với nẹp.
• I - Ice: Chườm lạnh vùng bị thương với túi đá hoặc túi chườm có sẵn từ 10 - 15 phút, ngưng 30 - 60 phút rồi lặp lại. Có thể chườm lạnh như trên trong 48 -72 giờ đầu. Chú ý không nên chườm quá lâu hay chườm đá trực tiếp lên da có thể gây phỏng lạnh.
• C - Compress: Song song với chườm lạnh, ta có thể băng ép lên vùng bị thương.
• E - Elevation: Kê cao tay, chân bị thương và có thể dùng thêm thuốc giảm đau trợ giúp.
 Ngoài ra để làm giảm sưng đau nhanh người ta còn dùng các chất bay hơi cực nhanh như ête hay những hỗn hợp dạng cồn đặc biệt để phun lên vùng bị thương (những loại này cũng không nên có tinh dầu nóng).
Khi nào được dùng thuốc thoa?
Sớm nhất cũng phải cách 48 giờ từ lúc chấn thương. Nên tiếp tục phương pháp RICE, nếu còn đau nhiều thì có thể dùng thêm loại thuốc thoa giảm đau - kháng viêm thông thường để tránh bị sưng nề.
Thông thường chỉ nên dùng thuốc thoa sau 2 - 3 tuần vì đây là giai đoạn phục hồi các tổn thương nhẹ. Khi đó cần tăng lưu lượng máu nuôi để cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cho tế bào hàn gắn vết thương và giúp mô mềm đàn hồi, giảm co thắt, giảm cứng khớp. Có thể dùng cho các chấn thương rách gân - cơ - dây chằng sau khi đã hết hiện tượng đau, sưng và viêm. Chỉ ở giai đoạn này mới được dùng thuốc thoa có tinh dầu gây nóng, hoặc loại hỗn hợp tinh dầu gây nóng và NSAID. Những chấn thương nặng hơn chỉ được sử dụng loại này sau 4 - 5 tuần.
Những cách xử trí đơn giản trên sẽ giúp tổn thương mau lành và hạn chế biến chứng, tránh cho người chơi thể thao chuyển từ “vận động viên” trở thành “cổ động viên”. Tuy vậy cũng nên đến bác sĩ chuyên khoa kiểm tra lại mức độ tổn thương để có hướng điều trị và phục hồi cho đúng.
Theo BS TÔ MINH CHÂU - Hội Y học thể thao TP.HCM

Chấn thương trong thể thao: Chớ xem thường...


Khởi động không kỹ, chơi quá tải khi cơ bắp không đủ sức, sử dụng dầu nóng không đúng cách, xem thường những cơn đau sau tập luyện...là những nguyên nhân gây chấn thương.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, 55 tuổi, Q.3, TP.HCM, thường đi bộ tập thể dục vào mỗi buổi sáng sớm. Một thời gian sau, bà bị đau gót chân và đầu gối. Nhiều bác sĩ chẩn đoán bà bị thoái hóa khớp gối và bị gai gót chân. Sau khi uống thuốc giảm đau, bà Nguyệt cảm thấy đỡ hơn và bắt đầu đi tập thể dục lại. Những con đau khó chịu lại quay về.
Đừng tưởng tập "nhiều" là tốt cho sức khỏe
Bà đến kiểm tra tại phòng khám y học thể thao, bệnh viện An Sinh, Q.3, TP.HCM. Qua kết quả X-quang, các bác sĩ phát hiện khớp gối của bệnh nhân này mọc một ít chồi xương và bị vôi hóa cân gân chân (hay còn gọi là gai xương gót.). Bệnh do viêm chỗ bám của cân gân chân vào nơi xương gót.

Các bác sĩ chuyên ngành y học thể thao nhận thấy, các bộ phận thường gặp chấn thương nhất là khớp gối, khối vai, khuỷu tay, cổ chân và đau lưng
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh nhân đã quá tải do đi bộ nhiều trên một khớp gối đã bị thoái hóa.
Hay một bệnh nhân khác, chị Trấn Thị Diệu Thuần, 40 tuổi, ở Q.5 TP.HCM, thường chơi tennis và bị đau khuỷu tay hai tuần nay.  Mỗi khi đau, chị hay xoa dầu nóng hay dán salonpas. Ngay lúc đó, chị đỡ đau hơn, nhưng càng về sau, chị càng bị đau đến nỗi không thể lái xe hay chải đầu.
Chị Diệu Thuần bị viêm gân duỗi bám lối cầu ngoài khuỷu tay do tập quá tải. Hơn thế nữa, chị đã không khởi động kỹ trước khi chơi tennis. Chơi quá sức khi cơ bắp không đủ mạnh, kỹ thuật không đúng, lưới vợt quá căng hay banh cũ hoặc ướt nước cũng có thể làm bạn giã từ môn tennis yêu thích, bác sĩ Nguyện Trọng Anh, tổng thư ký hội Y học Thể dục Thể thao TP.HCM khuyến cáo.
Theo kinh nghiệm của bác sĩ, để điều trị trường hợp này, bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi, chườm lạnh và uống thuốc kháng viêm. Nếu sau một tuần, cơn đau không giảm, bệnh nhân phải đến khám chuyên khoa, chụp X-quang  và điều trị bằng thuốc đặc trị như tiêm corticoid phối hợp vật lý trị liệu. Nếu bị mãn tính, bệnh nhân có thể trải qua một đợt điều trị bằng nội soi hoặc phẫu thuật để đốt mô viêm và tập phục hồi sau mổ.
Bỏ quên chấn thương tiềm tàng tăng nguy hiểm
Những bệnh nhân trẻ hơn bị đau do chơi thể thao sai cách cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ tại các phòng khám chuyên khoa y học thể thao của bệnh viện FV và bệnh viện An Sinh. Bệnh nhân Lê Thanh Vân, 20 tuổi, đau vai từ hai tháng qua. Vân cho biết, mỗi chiều thường chơi cầu lông.
Ban đầu, Vân không thấy đau khi chơi, nhưng đến tối, vai bắt đầu êm ẩm. Sau đó, những cơn đau ở vai xuất hiện khi cô đang chơi. Để giảm đau, Vân đã xoa dầu nóng. Càng về sau, bệnh nhân không thể giơ tay quá đầu, đưa tay ra sau lưng và mất ngủ thường xuyên.
Kiểm tra, bác sĩ phát hiện Vân đang bị viêm, rách gân chóp xoay do động tác lập đi lập lại trong thời gian dài và chơi quá sức.
Hiện nay, rất khó thống kê được có bao nhiêu bệnh nhân đi khám vì chơi môn thể thao này, môn thể thao kia. Nhưng các bác sĩ chuyên ngành y học thể thao nhận thấy, các bộ phận thường gặp chấn thương nhất là khớp gối, khối vai, khuỷu tay, cổ chân và đau lưng.

Phòng ngừa và chăm sóc các loại chấn thương trong TDTT



Dù có những thời gian chuẩn bị chu đáo (thường gọi là làm nóng người), thì cũng không tránh khỏi những sự cố xảy ra trong các vận động TDTT.

Các rủi ro đó càng tăng gấp bội nếu có yếu tố căng thẳng thần kinh, chẳng hạn thi đấu (càng quan trọng, càng căng thẳng), hội thi, biểu diễn,… . Do Aikido không có thi đấu, sự rủi ro thấp hơn nhiều, nhưng cũng không thể không tiên liệu các sự cố, để mọi người được an tâm (nhất là các phụ huynh).

Có những tai nạn nhẹ liên quan đến hoạt động các cơ quan, những xáo trộn nội tạng như lạc đường huyết, mất nước .v.v.

Và những tai nạn quan trọng do từ bên ngoài: môi trường chung quanh hay đối thủ: va chạm, quật té, v.v.. chúng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Chỉ cần một số kiến thức sơ đẳng cũng có thể thực hiện việc phòng ngừa, hoặc những chăm sóc ban đầu rất kiến hiệu đối với các loại tai nạn này.

Những môn thể thao có đối kháng có thể gây ra hai loại chấn thương: macro và micro. Các chấn thương vĩ mô (macro) là do bị té ngã, bị va chạm, bị trúng đòn… với các hậu quả là gãy xương, trặc, lệch khớp, tụ máu, giãn cơ .v.v.. những vụ chấn thương vi mô hiểm độc hơn, phát xuất từ những động tác được lập lại nhiều lần, liên hệ đến các gân, dây chằng, quan tiết, dĩa đệm. Tất cả (vi và vĩ chấn thương) đều đưa đến một hậu quả: làm gia tốc tiến trình thấp khớp.

Để các HLV có thể sử dụng tài liệu này, chúng tôi xin xếp các loại chấn thương, cách chẩn đoán và cách phòng ngừa, chăm sóc theo các đề mục:

1. Các tai nạn liên hệ đến cơ bắp.

2. Các chấn động liên hệ đến quan tiết và xương cốt.

3. Các vấn đề liên hệ đến quan tiết và xương cốt.

4. Các chấn thương trong các môn chiến đấu.


I. CÁC TAI NẠN NƠI CƠ BẮP

Giãn cơ:

Các sợi cơ bị kéo giãn quá mức cho phép. Đau điếng, nhưng không bị máu bầm, không làm ngưng cử động.

Trị liệu: Thoạt tiên chườm nước đá. Sau đó, thoa nhẹ pommade thích hợp. Sử dụng hơi nóng, gạc, dấm, nước, hồng ngoại

Căng cơ:

Một vài sợi cơ bị đứt. Đau nhiều và phải ngưng hoạt động. Vết máu bầm sau một thời gian

Trị liệu: Chườm đá trong vòng hai ngày. Không xoa bóp; nghỉ ngơi. Sau 15 ngày , có thể xoa bóp cộng với tái tập luyện

Rách cơ:

Số sợi cơ bị đứt nhiều hơn. Máu bầm xuất hiện nhanh hơn. Đau cũng nhiều hơn, có thể gây ngất xỉu. Hoạt động chức năng của cơ bị tê liệt hoàn toàn.

Trị liệu: Chườm đá, tránh xoa bóp. Cần có y sĩ vì nếu việc rách cơ không được chăm sóc thích hợp, sẽ có khả năng canxi hóa u máu. Sau khi tái luyện 8 tới 10 tuần tiếp theo tai nạn, có thể trở lại luyện tập một cách tiệm tiến.

Đứt cơ hoàn toàn:

Cơ bị đứt hoàn toàn hay bị tách ra khỏi xương, một lỗ trũng xuất hiện do cơ rút lại. Mất khả năng hoàn toàn. Nạn nhân không thể sử dụng chi bị tổn thương.

Trị liệu: Hoàn toàn bất động, cần phải phẫu thuật để may lại cơ hoặc gắn lại nó vào xương.

Qui luật tổng quát : tái luyện chi.

Các vết thương:

Da thịt bị cắt, nặng nhẹ tùy khi.

Lời khuyên: lau sạch vết thương bằng chất sát trùng và bao che bảo vệ. Nếu trầm trọng cần đến y sĩ hoặc bệnh viện.

2. CÁC CHẤN ĐỘNG

Chúng gây ra nhiều hậu quả khác nhau

Máu bầm:

Thường gọi là vết bầm hay cục máu bầm, do máu thoát ra tụ dưới da. Không sưng, từ màu đỏ chuyển sang xanh và cuối cùng là màu vàng. Vết bầm biến mất sau 2 hoặc 3 tuần lễ.

Trị liệu: chườm đồ mát. Sau một thời gian, xoa bóp với pomade có chất arnica.

Sưng tụ máu:

Máu tập trung tại một điểm, một cục u xuất hiện tiếp đó (đứt mạch máu).

Trị liệu: chườm đá, dùng tay ấn vào cục u để làm tan việc xuất huyết và chận dòng chảy, trong vài trường hợp quan trọng, phải cần đến phẩu thuật để rút máu (châm chích).

Xây xát:

Sau khi bị va chạm, không thấy có vết thương. Thế nhưng, hãy coi chừng! Sự va đập có thể đã gây đứt đoạn những tĩnh mạch, hay động mạch,v.v… Cũng có thể cơ bị rách. Phải lưu ý với những tai nạn kiểu này.

Trị liệu: Không xoa bóp, không chườm nóng vì sẽ khiến gây giãn nở mạch máu và làm tăng xuất huyết.

Chấn động ở vùng bụng:

Bề ngoài có vẻ không gây hậu quả trầm trọng, các chấn thương có thể dẫn tới viêm niêm mạc bụng, hoặc xuất huyết nội.

Triệu chứng: mặt tái mét, xuất hạn, nôn mữa, buồn nôn, sốt nhẹ, khoang bụng cứng và đau.

Trị liệu: đưa ngay bệnh nhân đến y sĩ hoặc bệnh viện.


3. CÁC VẤN ĐỀ VỀ XƯƠNG VÀ KHỚP

Trặc khớp:

Do một động tác không ăn khớp, xương ra khỏi ổ khớp, nhưng rồi trở lại đúng vị trí. Sự việc gây ra chấn thương dây chằng. Theo tầm quan trọng của chấn thương, ta có thể xếp thành 3 nhóm:

a. Trặc cấp một: Các dây chằng bị kéo dài.

Trị liệu: Chườm nước đá, rồi thoa bóp với pomade. Nghĩ ngơi. Có thể luyện tập TDTT sau 8 đến 10 ngày.

b. Trặc cấp hai: Dây chằng bị đứt một phần. Chỗ bị chấn thương sưng lên. Đau nhiều và hoạt động chức năng bị ngưng.

Trị liệu: Chườm nước đá, đưa nạn nhân đi khám. Các phương thuật như xoa bóp, thuốc chống viêm, tập vật lý trị liệu, điều trị để có thể áp dụng cho loại trặc này.

c. Trặc cấp ba: Loại trầm trọng hơn cả. Các dây chằng bị đứt hẳn hay tách khỏi đầu xương. Đau nhiều. Cử động bị tê liệt.

Trị liệu: Bất động hóa và đưa nạn nhân đến một trung tâm y khoa khám. Có thể phải cần đến phẫu thuật.

Nên tránh: Trường hợp trặc ở cổ chân, không nên cho bệnh nhân “đi lại xem có đau không”. Dù mức độ trầm trọng như thế nào thì điều này cũng làm nạn nhân đau.

Rã khớp

Đầu xương bung ra khỏi ổ khớp gây giãn hoặc rách các dây chằng và chấn thương cho khoang khớp.

Triệu chứng: Đau nhiều, sưng vù tại chỗ, bầm tím, mất toàn bộ vận động chức năng.

Làm gì?

Sơ cứu: Chườm nước đá hay “gạc” ướp lạnh. Băng nhẹ để hỗ trợ khớp. Đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Nên tránh

Cố gắng nắn lại khớp.

Viêm màng xương

Màn xương bị viêm do

d. Bị dập liên tục

e. Cố gắng quá mức

Thường xảy ra ở mặt trước xương chày, gây đau khủng khiếp.

Săn sóc: Chườm nước đá, nghỉ ngơi, thuốc kháng viêm.

Viêm Gân:

Cụm từ này bao gồm nhiều loại chấn thương khác nhau:

f. Viêm tổn gân bao dịch (synovie).

g. Viêm gân - màn xương nghĩa là viêm vùng gân – màn xương dính vào nhau.

h. Và viêm gân, nhằm vào phần thân của gân.

i. Thiếu khởi động.

j. Các loại công phu đặc dị.

k. Trang thiết bị không thích hợp.

l. Sân tập không đủ mềm, co giãn.

m. Dị biến về hình dạng.

n. Dinh dưỡng không phù hợp, thiếu các chất cần thiết như nước, muối, đường...

Ghi chú:

1. Thực phẩm quá nhiều đạm thực vật có thể gây ra viêm gan, nhất là vào giai đoạn tập luyện cố gắng nhiều trên các khớp.

2.Các cuộc nghiên cứu nghiêm túc chứng minh có một tương quan giữa các bệnh sâu răng và các vụ viêm gan kinh niên (nên lưu tâm đến các răng sâu!).

Điều trị: Nghĩ ngơi từ 10 đến 15 ngày, có khi lâu hơn. Tìm cho ra nguyên do (dụng cụ, động tác…) và điều chỉnh. Khi cơn đau xuất hiện, chườm nước đá ngay và sau đó 2, 3 ngày, xoa bóp với pomade. Nếu cảm giác đau kéo dài, đưa đến bác sĩ khám bệnh.

Phương thức trị liệu có thể bao gồm thuốc chông viêm, xoa bóp, mesotherapie (chích vào vùng bệnh), châm cứu, sóng siêu âm, chích vào gân (infiltration). Chỉ có bác sĩ điều trị mới có tư cách quyết định về phương thức điều trị.

Thương tổn xương

Một vụ chấn động có thể gây gãy xương. Các chăm sóc y học là bắt buộc. Nhưng phải coi chừng các chấn thương tiềm ẩn.

* Gãy xương hông có thể dẫn đến pneumothorax.

* Gãy xương sọ có thể gây chấn thương não.

* Gãy xương chày – mác: động mạch có khả năng bị đứt.

* Gãy xương đùi: gây mất nhiều máu.

Các vụ gãy xương hông, các đòn tấn công khốc liệt vào vùng bụng có thể gây vỡ lá lách hay gan, kéo theo những nguy cơ xuất huyết nội. Trường hợp này, các triệu chứng như trên đã nói.

Xương bị dập:

Thường liên quan tới xương chày, xương mác, xương bàn chân.

Nguyên do: những vi chấn liên tiếp hoặc các động tác liên tục, tình trạng bải hoải cơ thể, giảm hoặc mất can-xi. Loại thương tổn này thường khó nhận ra qua X quang. Phải nhớ đến xạ hình xương (scintigraphie osseuse): người ta chích vào tĩnh mạch một chất phóng xạ cho phép nhận ra chỗ xương bị dập.

4. CÁC CHẤN THƯƠNG THÔNG THƯỜNG TRONG CÁC MÔN THỂ THAO CHIẾN ĐẤU.

Chấn thương mũi:

Sống mũi là một vách ngăn hai khoang mũi; nó được cấu thành bằng sụn, dựa trên nền xương. Khi bị chấn động nếu, mũi bị biến dạng rất quan trọng (mũi bẹp qua một bên), có thể chỉnh sửa lại tức thời. Nếu cơn đau quá khốc liệt, tốt hơn nên đưa bệnh nhân vào bệnh viện để chỉnh hình có gây mê, vì có thể phải qua X quang. Nếu chấn thương nhẹ, có thể chườm nước đá để giảm đau và giảm sưng húp.

Chảy máu cam

Là một vụ xuất huyết ngoại, theo nguyên tác là do chấn động, nhưng cũng có thể xảy ra mà không có nguyên do hiển nhiên.

Phải làm sao đây?

* Cho cúi đầu xuống phía trước và đè cánh mũi bị chảy máu để chận xuất huyết trong thời gian từ 5 đến 10 phút

* Cho thở bằng miệng, không cho hỉ mũi

* Có thể dùng miếng thấm cầm máu (hémostatique) có bán trong các nhà thuốc tây.

Nếu máu vẫn ra sau 15phút, phải đưa đến bác sĩ.

Chấn thương răng

Dễ bị nhất trong các loại tai nạn thi đấu thể thao là các răng cửa:

* Nếu răng bị gãy, vỡ: không có gì để làm, đến khám nha sĩ sau đó

* Nếu răng bị lạc vị một phần hoặc hoàn toàn: phải lượm răng (nếu nó bị rơi và tìm lại được) và đem ngay trong ngày (ngay lập tức) cho vị bác sĩ răng hàm mặt để đặt răng lại vị trí và cố định nó. Phải để răng trong một túi “xốp” có nước đá.

Phòng ngừa:

Khi thi đấu, nhớ mang khớp bảo hộ răng.

Chấn thương mắt

Các vòm chân mày, các chấn thương thường khá ấn tượng, máu ra nhiều, nhưng lại không quá trầm trọng.

Dùng “gạc” băng có thể cầm máu. Nếu vết thương sâu, có thể phải may để mau lành sẹo và để giữ thẩm mỹ cho khuôn mặt.

Đứt mi mắt cần phải được khâu lại một cách tinh tế. Một vết sẹo trái khoái có thể gây ra những hậu quả trầm trọng về chức năng.

Chấn thương nhãn cầu.

Nó gây đau đớn nhiều cho nạn nhân và phải được luôn luôn xử lý như một trường hợp nghiêm trọng (làm như vậy có thể tránh gây ra một thảm họa).

Quả vậy, đôi khi không gây khó chịu nhiều nhưng nó có thể làm phát sinh tổn thương giác mạc, thủy tinh thể, võng mặc (bóc ra), hệ thống dây chằng mắt.

Điều cần tránh

Trấn an nạn nhân, giải thích cho nạn nhân hiểu tại sao phải băng mắt, nếu không sẽ tạo một tình trạng hoảng loạn thêm vào tâm trạng lo sợ hiện có của nạn nhân.



Tác giả:Jack Savol Delli

Chuyên viên y khoa TDTT, giảng viên BE


Người dịch:Gs. Bùi Thế Cần

Theo tạp chí "Ceiture Noire

Chuột rút và cách chữa


Đang tập luyện, nếu bị chuột rút (vọp bẻ), cần ngừng ngay và kéo duỗi cơ 15-20 giây cho đến khi cơ giãn hoàn toàn. Nên nghỉ khoảng 1 giờ để cơ bắp và hệ thần kinh trung ương đủ hồi phục.


Chuột rút là sự co cơ không cố ý (tự nhiên hay do lệch tư thế) gây đau đớn, thường chỉ thoáng qua vài giây nhưng có khi kéo dài đến nửa tiếng, thậm chí một tiếng. Lúc đó khối cơ cứng, ngắn lại, đòi hỏi tiêu thụ rất nhiều ôxy và glucose. Chuột rút gây nguy hiểm nếu bạn đang bơi, đi xe, vận hành máy móc vì không làm chủ được vận động.




Cách khắc phục phải dựa vào từng nguyên nhân gây chuột rút:
Thiếu canxi, magiê, kali: Thường gặp ở người có thai, cho con bú, hay ở trẻ trưởng thành (do trong khẩu phần ăn không đủ các chất này). Chỉ cần bổ sung các chất trên là được (dùng từng thứ một). Nếu thiếu cả canxi và magiê thì bổ sung magiê trước, vì canxi làm giảm sự hấp thụ magiê.




Ứ đọng acid lactic: Do vận động quá mức, cung cấp thiếu nước hay do dùng thuốc làm cho chuyển hóa bị rối loạn.



Lão hóa hệ thần kinh, hệ cơ hay hệ mạch: Xảy ra ở người lớn tuổi, thường đi kèm với các nguyên nhân trên (vì sự hấp thu giảm sút). Cách khắc phục là vừa bổ sung canxi, magie, kali vừa bổ sung các chất có lợi cho hệ thần kinh cơ và hệ tuần hoàn; thường dùng nhất là vitamin B1 uống, liều cao hay vitamin B6 (phối hợp sẵn trong viên magiê-B6).



Hệ thần kinh cơ bắp hoạt động thái quá: Việc tập luyện căng thẳng lâu trong một tư thế, trong một điều kiện bắt buộc khác với bình thường (như lạnh đột ngột) cũng gây chuột rút. Để đề phòng, cần có thời gian làm duỗi cơ 5-10 phút trước lúc khởi động, mang loại giày thích hợp, dùng đủ nước (thiếu nước sẽ gây tích lũy acid lactic). Khi bơi lội, chuột rút hay xuất hiện ở ngón chân, vì vậy nên khởi động cho ấm, vào nước từ từ bằng vận động chậm. Khi bị chuột rút, ngừng ngay hoạt động, nếu được thì kéo duỗi cơ 15-20 giây cho đến khi cơ giãn hoàn toàn. Sau đó, nên nghỉ luyện tập khoảng 1 giờ để cơ bắp và hệ thần kinh trung ương đủ hồi phục. Xoa dầu, làm nóng vùng chuột rút trong vài phút để làm giãn cơ. Vận động viên cũng cần có chế độ ăn hay dùng thuốc bổ sung đủ canxi, magiê, vitamin...



Người bị chuột rút không nên lạm dụng chất kích thích như cà phê.
Nguồn trích dẫn (0)