Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Chấn thương thể thao: Một số điều cần biết!


Trong cuộc sống thường nhật, thể thao là một trong những hoạt động có ý nghĩa xã hội cao, mang lại nguồn vui, niềm đam mê cháy bỏng, sức khỏe dồi dào và sự bền bỉ cần thiết cho con người ngày một phát triển, hoạt động thể thao còn là một nhu cầu không thể thiếu.



Chân và tay là 2 bộ phận dễ bị chấn thương nhất khi chúng ta chơi thể thao

Tuy nhiên, tham gia vào hoạt động thể thao, mọi người cần phải có hiểu biết đề phòng ngừa những chấn thương có thể xảy ra trong quá trình luyện tập. Nếu không, từ chỗ tập để vui, để khỏe, để làm việc tốt hơn, bạn có thể phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống.


Chân và tay: Dễ bị chấn thương nhất

Trong quá trình hoạt động thể thao, chấn thương có thể xảy ra với bất cứ bộ phận nào của cơ thể, tuy nhiên, các chấn thương gặp nhiều nhất thường rơi vào chi trên (vai, cánh tay, cẳng tay, cổ và bàn tay) hoặc chi dưới (khớp háng, đùi, khớp gối, cẳng chân, cổ và bàn chân).



Đơn giản vì đây là hai bộ phận tham gia nhiều nhất vào các hoạt động nào cũng có sự góp mặt và phối hợp của hai cơ quan này từ bơi lội, chạy, bóng đá cho tới tennis, bóng bàn, cầu lông, golf.



Các chấn thương có thể gặp ở chi trên bao gồm: Chấn thương vùng khớp vai, chấn thương của nhóm cơ nâng và xoay của chỏm xương cánh tay, chấn thương vùng khớp khuỷu, tụ máu vùng khớp khuỷu, tổn thương dây chằng bên trong khớp khuỷu, chấn thương vùng khuỷu tái diễn dẫn tới xơ hóa và chèn ép thần kinh tru, tổn thương mãn tính cổ tay, viêm bao gân vùng cổ tay, tổn thương nhóm cơ và gân duỗi của các ngón tay, tổn thương gân gấp của các ngón tay.



Các chấn thương này gặp nhiều nhất trong các môn thể thao có sự tham gia vận động của chi trên như tennis, cầu lông, bóng bàn. Các chấn thương này cũng có thể gặp trong bóng đá do va chạm, do ngã.



Các chấn thương thường gặp ở chi dưới là chấn thương vùng khớp gối và vùng cổ chân, các chấn thương thường gặp bao gồm: Viêm gân gấp và duỗi, gân gót hay còn gọi là gân Achille, tổn thương hoàn toàn hoặc không hoàn toàn của gân gót, tổn thương dây chằng delta, tổn thương các đốt bàn chân.



Các chấn thương này có thể gặp trong hầu hết các môn thể thao, song nhiều nhất là bóng đá, bóng rổ.



Để tránh bị chấn thương

Chấn thương trong thể thao là một việc xảy ra ngoài mong muốn, song mọi người vẫn có thể hạn chế chấn thương ở mức thấp nhất nếu tuân thủ nghiêm một số nguyên tắc sau:



- Không được bỏ qua khâu khởi động.



- Trong thể thao, đây là một công đoạn tối quan trọng có tác dụng hâm nóng các bộ phận của cơ thể, đưa cơ thể từ trạng thái tĩnh sang động một cách không quá đột ngột. Cần khởi động kỹ các động tác, đặc biệt là các động tác mềm dẻo của các khớp để tránh các hiện tượng sái khớp, sưng khớp.



- Không thực hiện các động tác mạnh một cách đột ngột, đặc biệt là với các động tác xoay khi lấy khớp gối làm trụ.



- Không thực hiện các động tác khó khi thấy đau và có trở ngại của vận động khớp.



Xử lý các chấn thương nhẹ


Khi luyện tập bạn nên nhớ: tuyệt đối không thực hiện những động tác mạnh đột ngột

Khi bị chấn thương phần mềm, cần ngưng tập luyện ngay và nẹp cố định vùng tổn thương. Bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách chườm lạnh tại chỗ 10 -15 phút, mỗi tiếng một lần lặp lại nhiều lần trong ngày, để không gây tụ máu hay chảy máu cho vùng bị tổn thương; băng ép vùng tổn thương bằng dây thun y tế để giảm chảy máu, sưng tấy, đau nhức; kê cao vùng bị tổn thương để máu về tim tốt, giảm sưng đau và viêm. Thường thì các chấn thương nhẹ sẽ hồi phục trong vòng 3 ngày.




Tuyệt đối không dùng hóa chất có kích thích như mật gấu, dầu nóng xoa bóp vùng bị tổn thương. Làm như vậy có thể khiến máu chảy nhiều hơn, các dây chằng bị xơ và mất độ đàn hồi, ngoài ra, chúng còn dễ bị chấn thương khi có các vận động mạnh trở lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét